Gian nan con đường hiện đại hóa y học cổ truyền

01/09/2011
Có một người phụ nữ đã dành gần 20 năm cuộc đời mình để nghiên cứu về cây Trinh Nữ Hoàng Cung Việt Nam và tạo ra viên thuốc CRILA để điều trị u xơ tử cung, phì đại lành tính tuyến tiền liệt và một số bệnh ung bướu khác. Công trình nghiên cứu của nhà khoa học Tiến sĩ – Dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm - giám đốc Công ty TNHH Thiên Dược đã được cấp bằng sở hữu trí tuệ và đưa chị đến với giải thưởng Kovalevskaia năm 2007.

Ngày nay, xu hướng quay trở lại sử dụng các sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ dược thảo càng được tin tưởng và phát triển mạnh mẽ, do các sản phẩm an toàn với người bệnh và hiệu quả điều trị cao. Vì vậy, các nhà khoa học Việt Nam đã tập trung nghiên cứu các cây thuốc để có thể tìm thấy những viên thuốc mới an toàn chất lượng và hiệu quả cao. Một trong những công trình nghiên cứu thành công trong ngành y dược học Việt Nam là công trình nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm và các cộng sự khoa học trong và ngoài nước đã tạo ra viên thuốc Crila. Sản phẩm là kết quả một quá trình nghiên cứu từ thực vật học, thành phần hóa học, chiết xuất, nghiên cứu tác dụng sinh học, bào chế và nghiên cứu lâm sàng.

Hành trình tìm ra phương thuốc quý

Năm 1984, mười năm sau khi tốt nghiệp Dược khoa, chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn nghiên cứu sinh toàn quốc và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử sang Bulgari tiếp tục học tập và nghiên cứu tại trường Đại học Kỹ thuật Sophia. Tháng 4/1991, chị đã bảo vệ luận án Tiến sĩ đạt kết quả xuất sắc với đề tài "Nghiên cứu thành phần hóa học của tinh dầu cây Amomum Tsaoko Crévost et Lémerie - Họ gừng Zingiberaceae” và trở thành trợ giảng cho Khoa Hóa hữu cơ - Trường đại học Kỹ thuật Sophia, đồng thời là cộng tác viên của Viện hàn lâm khoa học Bungari. Chị đã tham gia trong nhóm nghiên cứu về các hoạt chất sinh học chiết xuất từ dược thảo có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư.

Để phát hiện những cây thuốc mới từ nguồn dược thảo Việt Nam, chị đã đi khắp mọi miền đất nước và một điều may mắn, đến Huế, chị đã được nghe một người phụ nữ cao tuổi kể lại theo kinh nghiệm dân gian đã sử dụng cây tỏi lơi (tên gọi dân gian của Trinh nữ hoàng cung) để chữa bệnh u xơ tuyến tiền liệt. Lần theo thông tin này TS. Trâm đã điều tra, thu thập 7 cây náng giống với cây Trinh nữ hoàng cung (TNHC) có ở Việt Nam đưa về trồng trong vườn cây thuốc, tiến hành nghiên cứu chiết xuất các nhóm chất để đánh giá tác dụng sinh học ức chế sự phát triển của tế bào u. Từ kết quả nghiên cứu cho thấy alcaloid và flavonoid của cây TNHC là một trong 7 cây náng lá rộng có hoạt tính sinh học có thể sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị ung bướu.

Gian nan làm nên viên thuốc dân tộc

Để có những ý tưởng mới trong nghiên cứu ở bất cứ nơi nào chị đều tập trung suy nghĩ về những vấn đề chị đang nghiên cứu ngay cả khi đang chuẩn bị bữa cơm gia đình.

Suốt 15 năm trời vật lộn với mọi khó khăn từ phía khách quan đưa lại bởi những ý kiến ban đầu của một số nhà khoa học không mấy tin tưởng Việt Nam lại có thể có được một viên thuốc chữa trị u xơ tử cung vì họ cho rằng các nước tiên tiến như Mỹ, Pháp…. còn chưa tìm ra thuốc điều trị u xơ tử cung nên khó tin được Crila điều trị được bệnh u xơ tử cung, cho mãi đến khi kết quả thử nghiệm lâm sàng theo quy chế 371 của Bộ Y tế tại các Bệnh Viện: Viện lão khoa TW,  Bệnh viện Phụ sản TW, Bệnh Viện YHCT TW, Bệnh viện YHCT TP. HCM, Bệnh Viện Từ Dũ, đã đánh giá được viên Crila an toàn, chất lượng và hiệu quả điều trị đối với bệnh u xơ tử cung đạt 79,5% và phì đại lành tính tuyến tiền liệt (u xơ tuyến tiền liệt) đạt 89,18%, họ bắt đầu mới tin sản phẩm Crila có khả năng điều trị bệnh.

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu lâm sàng, Hội đồng khoa học công nghệ - Bộ Y tế đã đề nghị Cục Quản lý dược cấp phép cho viên nang Crila được lưu hành toàn quốc kể từ năm 2005.

Hiện đại hóa y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, thuốc đông dược thường được sử dụng dưới các dạng: thuốc sắc, thuốc nước, thuốc hoàn và thuốc tán. Ngày nay để hiện đại hóa y học cổ truyền tạo nên những sản phẩm thuốc với dạng bào chế hiện đại như viên nang, viên bao phim, viên nén…. Để hiện đại hóa y học cổ truyền là thực hiện hiện đại hóa từ khâu sản xuất ra thành phẩm với dạng bào chế hiện đại, nhưng để đạt được một viên thuốc an toàn, chất lượng và hiệu quả, cần có nguyên liệu ổn định về hoạt tính sinh học. Bởi vậy, từ năm 1990 cho đến nay TS Trâm đã xây dựng, nghiên cứu và phát triển được 30 ha cây TNHC thuần chủng và được nuôi trồng theo tiêu chí GAP – WHO tại Long Thành – Đồng Nai và Phú Giáo – Bình Dương, đến nay đã đủ nguyên liệu cho sản xuất thuốc phục vụ sức khỏe nhân dân. Công ty TNHH Thiên Dược đã đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có kiến thức nắm vững kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, thu hái, chế biến dược liệu TNHC và kỹ thuật chiết xuất, bào chế đã tạo nên một sản phẩm Việt có chất lượng cao, được người bệnh tin dùng, có giá cả phù hợp với thu nhập của người thu nhập thấp trong nước và trên thế giới.

Tâm sự người thầy thuốc

Buổi trò chuyện với tiến sĩ Trâm luôn bị ngắt quãng bởi nhiều cuộc điện thoại của bệnh nhân từ khắp nơi gọi đến. Chị luôn ân cần, chỉ dẫn cho từng bệnh nhân dù đang rất bận, bệnh nhân nào đến tận nơi xin tư vấn chị đều cử nhân viên hướng dẫn cách sử dụng thuốc phù hợp với từng người bệnh. Thời gian qua đã có nhiều bệnh nhân gửi thư cảm ơn TS Trâm, trong đó có thể kể đến những bệnh nhân hiếm muộn do có bệnh u xơ tử cung nên khó khăn trong việc mang thai, nhưng sau khi sử dụng Crila đã có thai và sinh được em bé thông minh, khỏe mạnh. Để cảm ơn tác giả của viên thuốc Crila, có người đã đặt tên con là  Trâm. Điều này đã tạo nên một sự xúc động lớn cho tác giả, đồng thời là lời động viên chị tiếp tục nghiên cứu để tạo ra loại thuốc khác.

Hiện nay chị đang nghiên cứu loại thuốc điều trị bệnh trĩ, thuốc tăng lực, điều hòa nhịp tim từ dược thảo Việt Nam. Một mơ ước lớn trong tương lai, Công ty TNHH Thiên Dược sẽ xuất khẩu được nhiều thuốc Crila sang các nước. Khi có đủ kinh phí trang trải những chi phí dành cho hoạt động của Công ty, số tiền còn lại chị sẽ dành dụm để có tiền thực hiện mơ ước của mình xây dựng một Bệnh viện chữa trị ung bướu miễn phí như một lời tri ân, cảm ơn sự giúp đỡ của gia đình, đồng nghiệp đã hết lòng giúp đỡ, động viên chị vượt khó trong những năm qua.

Trả lời cho câu hỏi về sự đổi mới tư duy để đưa khoa học vào ứng dụng trong thực tế tiến sĩ cho biết: Một nước châu Á như Ấn Độ từ năm 1951, đã sớm có một Viện nghiên cứu dược học để  nghiên cứu và tạo ra những sản phẩm thuốc mới từ dược thảo của Ấn Độ. Các nhà khoa học Ấn Độ không những biết sử dụng những thiết bị hiện đại mà còn rất tiết kiệm đã tận dụng những máy móc thiết bị cũ và cải tiến để đáp ứng cho công tác nghiên cứu. Chính vì vậy Ấn Độ đã tạo được những sản phẩm thuốc có giá thành phù hợp với thu nhập của người nghèo trên thế giới, đã xuất khẩu được với số lượng lớn thuốc sản xuất từ dược thảo. Hiện nay nước ta có 3.948 loài thực vật, 408 loài động vật làm thuốc và gần 50% trong tổng số 11 nghìn loại hải sâm và sinh vật biển có tác dụng làm thuốc. Với nguồn dược liệu phong phú và đa dạng nếu chúng ta quyết tâm đầu tư kinh phí và có chính sách thỏa đáng động viên các nhà khoa học nghiên cứu sẽ tạo ra hàng trăm, hàng ngàn viên thuốc đặc trị không thua kém các sản phẩm thuốc được sản xuất từ các nước tiên tiến như Mỹ, Anh, Pháp….

Thông tin

Viên nang Crila đã được nghiên cứu trong suốt 20 năm qua, từ khâu chọn giống, thuần hóa và được trồng trên một vùng trồng ổn định, nghiên cứu về thành phần hóa học, nghiên cứu chiết xuất, độc tính, dược lý, bào chế. Crila đã được thử nghiệm lâm sàng theo qui chế 371 của Bộ Y Tế. Nhưng trước khi lưu hành toàn quốc, sản phẩm phải được lưu hành trong bệnh viện một năm với số đăng ký: NC04-H07- 05 để theo dõi về hiệu quả điều trị, tác dụng không mong muốn của Crila. Sau đó ngày 21/07/2005 Cục quản lý Bộ Y Tế mới cho phép Crila được lưu hành toàn quốc với số đăng ký: VNB-3391-05. Hiện nay, Cục Quản lý dược đã cho phép  Công ty TNHH Thiên Dược được sản xuất Crila tại nhà máy của công ty đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt), GLP (thực hành kiểm nghiệm thuốc tốt), GSP (thực hành bảo quản thuốc tốt) tại Khu Công Nghiệp Nam Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với số đăng ký: V1167-H12-10.

Thông qua kết quả nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh viên nang CRILA có khả năng điều trị bệnh với hiệu quả điều trị cao. Bộ Y tế đã cho phép viên nang CRILA lưu hành toàn quốc để điều trị bệnh u xơ tử cung và u xơ tuyến tiền liệt. Để thực hiện khẩu hiệu phòng bệnh hơn chữa bệnh TS.DS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã tạo ra hai sản phẩm thực phẩm chức năng là CRILIN và trà TNHC. Nghiên cứu và sản xuất nước súc miệng SALINA

Các cống hiến không mệt mỏi của Dược sĩ - Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng: Độc quyền giải pháp hữu ích năm 2005 và nhận được giải thưởng Kovalevskaia, viên nang CRILA đã được nhận Huy Chương Vàng- sản phẩm chất lượng vì sức khoẻ cộng đồng và được nhận giải thưởng Kovalevskaia


Tú Lan