Tiến sĩ-Dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm và cây Trinh nữ hoàng cung

01/03/2007

Tên tuổi của người phụ nữ bình dị này gắn liền với nhiều loại thảo dược của Việt Nam và nhiều loại thuốc có nguồn gốc thực vật. Nhưng có lẽ, Trinh nữ hoàng cung là loài cây có nhiều bí ẩn đã được tiến sĩ-Dược sĩ Ngọc Trâm say mê khám phá, để đưa loại cây có cái tên “quí phái” này ra với đời thường. Và Trinh nữ hoàng cung đã không phụ lòng người say mê mình.

17 năm miệt mài với Trinh nữ hoàng cung, ngày 1-10-2007, Hội đồng Khoa học công nghệ của Bộ Y tế đã nghiệm thu chính thức đề tài nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm với kết quả xuất sắc và đề nghị bổ sung một tác dụng điều trị nữa của cây Trinh nữ hoàng cung đối với bệnh u xơ tử cung, cùng với tác dụng điều trị u xơ tiền liệt tuyến đã được công nhận từ năm 2005, với một loại thuốc được điều chế dạng viên nang, có tên gọi Crila. Thành công này của TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm và các cộng sự đã mang lại niềm vui lớn cho rất nhiều người mắc bệnh u xơ phổ biến ở cả hai giới (tiền liệt tuyến với nam giới và tử cung với nữ giới). Một thống kê tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, mỗi năm Bệnh viện này đã phải phẫu thuật cho khoảng 1000 trường hợp u xơ tử cung và tiếp nhận khám, điều trị ngoại trú cho vài ngàn trường hợp khác. Ở Mỹ mỗi năm cũng có đến 300.000 tử cung bị cắt và khoảng 2 vạn người khác phải bóc tách khối u tử cung.

Hành trình 17 năm cùng Trinh nữ hoàng cung của TS. Ngọc Trâm thật gian nan. Bà kể: “Trên thế giới hiện nay có khoảng hơn 90 loại thuốc điều trị ung thư, trong đó thuốc có nguồn gốc thực vật là 62%. Có thể kể đến một vài loại cây có dược tính đặc thù này: dừa cạn, thông đỏ, linh chi, tam thất, tu lình… Nhưng sau nhiều năm nghiên cứu Trinh nữ hoàng cung, tôi thấy rằng, những alkaloid và flavonoid trong cây này có khả năng điều trị ung thư vì chúng có thể kích thích miễn dịch qua việc kích thích tế bào limpho T hoạt động và phát triển. Năm 1990, tôi quyết định chính thức bắt đầu hành trình riêng với Trinh nữ hoàng cung”.

Đây là một hành trình gian nan: thuần hóa một cây hoang dại đưa về trồng ổn định với diện tích 30 ha ở xã Long Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai, nay đã trở thành một loại dược liệu sạch được chăm sóc và thu hái theo một qui trình ổn định, đạt hàm lượng hoạt chất ức chế sự phát triển tế bào u. Đồng thời, tiến hành các nghiên cứu chiết xuất hoạt chất, thử nghiệm lâm sàng theo 3 bước qui định nghiêm ngặt của Bộ Y tế (thử trên động vật, trên người khỏe, trên người bệnh với số lượng tăng dần); bào chế và sản xuất ra Crila dưới dạng viên nang như hiện nay. Trong khoảng thời gian này. TS. Ngọc Trâm đã công bố 7 công trình trên tạp chí khoa học quốc tế và 4 công trình trên tạp chí trong nước.

Kết quả nghiên cứu Crila cho thấy hiệu quả điều trị u xơ tiền liệt tuyến đạt 89,18% và điều trị u xơ tử cung đạt 79,5%, phản ứng phụ trong khi điều trị ở mức nhẹ và không phải can thiệp. Đáng nói hơn nữa, xét cả về mặt khoa học và kinh tế, điều trị khối u bằng Crila ưu việt hơn hẳn so với dùng các thuốc thảo dược khác của nước ngoài hoặc so với phương pháp phẫu thuật.

Ví dụ chữa u xơ tiền liệt tuyến bằng viên Tadenan của Pháp (cũng là thảo dược chiết xuất từ cây mận gai châu Phi) trong 1 năm tốn 3.240.000đ, nhưng cũng chỉ có tác dụng cải thiện tiểu tiện, không làm giảm kích thước khối u. Trong khi đó, điều trị bằng Crila chỉ tốn 40% số tiền trên mà kích thước khối u giảm rõ. Còn so sánh khi chữa u xơ tử cung, nếu dùng thuốc tiêm Zoladex (thuốc tổng hợp) thì chi phí lớn gấp 12 lần so với dùng Crila.

TS. Ngọc Trâm cho biết, Crila chưa phải là điểm dừng của bà trên hành trình cùng Trinh nữ hoàng cung. Bà vẫn đang tiếp tục khám phá những bí ẩn của Trinh nữ hoàng cung bằng việc nghiên cứu và sản xuất viên nang Crilin là sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị u xơ tử cung và buồng trứng, nghiên cứu và sản xuất thuốc xúc miệng Salina, nghiên cứu thuốc chữa trĩ, chữa yếu sinh lý nam giới… Nghĩa là các hoạt chất chiết xuất từ Trinh nữ hoàng cung đang được TS-DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm nghiên cứu để chữa toàn những bệnh… nhạy cảm và khó nói !

Mới đây, TS-DS Ngọc Trâm còn được giao Chủ nhiệm hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ theo Nghị định thư giữa 2 Nhà nước Việt Nam và Bulgaria với Đề tài “Nghiên cứu khả năng kích thích hệ miễn dịch chống ung thư của các alkaloid và flavonoid được chiết xuất từ cây Trinh nữ hoàng cung để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc hỗ trợ điều trị ung thư”, thời gian thực hiện từ 2007 đến 2009.

Có một điều mà TS-DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm rất trăn trở trong tâm lý dùng thuốc của người Việt Nam và cả “căn bệnh” kê đơn của các bác sĩ, đó là tâm lý sính ngoại. Mắc những bệnh rất thông thường như ho, cảm mạo, hoàn toàn có thể dùng thảo dược nhưng vẫn cứ thích dùng tân dược, nhất là thuốc nhập ngoại càng thích. Thế cho nên, cùng là thảo dược, nhưng khi kê đơn thì bác sĩ vẫn thích kê Tadenan của Pháp hơn là Crila của Việt Nam. “Người Việt Nam mình cứ hay tự coi thường nhau như vậy”- TS Ngọc Trâm nói. Qua những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối tự nguyện điều trị Crila, tôi thấy cũng có kết quả tốt, ít nhất là kiềm chế phát triển bệnh và kéo dài thời gian sống của bệnh nhân. Bằng những nghiên cứu cơ bản, tôi tin Crila có thể chữa được nhiều loại u lành tính khác, nhưng vì chưa qua kiểm nghiệm theo quy định thì vẫn chưa được phép công bố tác dụng của thuốc.

Là trưởng nữ của GS-TSKH Nguyễn Văn Trương – người sáng lập và đứng đầu Viện kinh tế sinh thái, TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm thừa hưởng ở cha mình niềm tin vào những giá trị chân chính và kiên quyết thực hiện bằng được những niềm tin ấy. Lại là cộng sự và học trò yêu của “ông tổ cây thuốc Việt Nam” Đỗ Tất Lợi, TS-DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã và sẽ mãi theo cái nghiệp đã lựa chọn: nghiên cứu và sản xuất thuốc từ thảo dược vì lợi ích cộng đồng.

Phạm Bảo Minh