Thành công từ chú trọng đầu tư cho nghiên cứu

26/08/2016
Nhắc đến TS.DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Giám đốc Cty TNHH Thiên Dược người ta nghĩ ngay đến một nhà khoa học có tinh thần doanh nghiệp với nhiều thành công từ nghiên cứu khoa học.

Đặc biệt, với việc triển khai thành công dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất viên nang cứng Crila® đáp ứng nhu cầu xuất khẩu” do Bộ KH&CN phê duyệt đã sản xuất thành công sản phẩm Crila forte chữa u xơ tử cung xuất khẩu sang Mỹ.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm xung quanh những thành công của dự án và khó khăn trong nghiên cứu khoa học trong doanh nghiệp.

Bà đánh giá thế nào về vai trò của doanh nghiệp trong việc đầu tư nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm?

TS. DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm: Theo tôi, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần phải tập trung một phần kinh phí dành riêng cho nghiên cứu và để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Từ đó doanh nghiệp sẽ có cơ sở để được Nhà nước hỗ trợ, đi tiếp nghiên cứu rộng và sâu hơn, tạo được một cuộc sống ổn định cho cán bộ công nhân viên và phát triển doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Công ty TNHH Thiên Dược là doanh nghiệp khoa học công nghệ của Tỉnh Bình Dương. Đây cũng là doanh nghiệp bước đầu thành công từ kết quả nghiên cứu, có sản phẩm phục vụ thị trường trong nước, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và bước đầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ là một thị trường khó tính. Tuy số lượng xuất khẩu chưa lớn, nhưng đã thể hiện chất lượng của sản phẩm Crila forte được tạo ra từ nghiên cứu và sản xuất, cũng như trình độ kỹ thuật công nghệ của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đã đầu tư cho nghiên cứu khoa học như thế nào, kết quả thu được ra sao, thưa bà?

Doanh nghiệp khoa học công nghệ Thiên Dược đã đầu tư cho nghiên cứu khoa học, một trong số các đề tài/dự án khoa học đã thực hiện có thể kể đến dự án KC.06.DA14/11-15 “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất viên nang cứng Crila forte đáp ứng nhu cầu xuất khẩu” với tổng kinh phí thực hiện dự án 20,5 tỷ đồng, kinh phí tự có 14,4 tỷ đồng.

Dự án đã tạo ra 15 triệu viên Crila forte phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu sang thị trường Mỹ với ba sản phẩm Crila for Menopause (điều hòa khí huyết), Crila Uterine Health (u xơ tử cung), Crila for Prostate (tuyến tiền liệt). Tổng doanh thu các sản phẩm thu được là 16,7 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu được 5,3 tỷ đồng.

Dự án đã hoàn thiện quy trình công nghệ chiết xuất và sản xuất cao khô có hàm lượng alcaloid toàn phần ≥ 0,50%, do đó hàm lượng trong viên là 2.5mg alcaloid và người bệnh chỉ uống một nửa số lượng viên, trước đây đối với bệnh tuyến tiền liệt là 8 viên, u xơ tử cung là 10 viên, nay chỉ còn uống 4 viên và 5 viên.

Bên cạnh đó, dự án cũng đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất viên nang Crila forte 500mg, xây dựng và thẩm định tiêu chuẩn cơ sở của nguyên liệu lá TNHC, cao khô TNHC, viên nang Crila forte với chất chuẩn crinamidin và 6-hydroxypowellin.
 
 
TS. DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm cùng các đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm

Thông qua dự án đã có một bằng bảo hộ giống cây trồng có thời hạn 20 năm tính từ năm 2015, được đăng ký tại Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam.

Theo bà, khi doanh nghiệp tham gia vào các đề tài/dự án nghiên cứu thì gặp khó khăn gì? Bà có đề xuất gì với các cơ quan chức năng trong vấn đề chính sách đãi ngộ doanh nghiệp khi tham gia nghiên cứu?

TS. DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm: Doanh nghiệp khi tham gia thực hiện đề tài/dự án thì gặp phải khó khăn lớn nhất là về tài chính, vốn đối ứng chiếm 2/3 tổng kinh phí thực hiện được tính bằng tiền mặt đóng góp mua máy móc thiết bị hoặc các nguyên vật liệu dùng cho nghiên cứu. Theo ý kiến tôi đề xuất vốn đối ứng chỉ bằng 1/3 tổng kinh phí thực hiện dự án.

Tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều chính sách cụ thể động viên các nhà khoa học tập trung vào nghiên cứu. Nhiều công trình nghiên cứu có sản phẩm tính ứng dụng cao nhưng vẫn gặp khó khăn trong quá trình chuyển giao phục vụ cộng đồng. Việt Nam vẫn chưa tổ chức ra những công ty chuyên tiếp xúc và chuyền giao kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học mà trên thực tế không phải nhà khoa học nào cũng đủ năng lực tài chính để làm việc này.

Nếu có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, quản lý hợp lý thì Việt Nam có thể chủ động hơn rất nhiều trong việc sản xuất, cung ứng thuốc cho thị trường trong nước với giá thành thấp, giúp giảm bớt chi phí cho người bệnh.

Xin cảm ơn bà!

Bài, ảnh: Hoàng Anh