Sử dụng các sản phẩm từ Trinh nữ hoàng cung: Cẩn trọng không thừa!

04/06/2013
Trước năm 2005 theo kinh nghiệm dân gian, nhân dân sử dụng lá Trinh nữ hoàng cung sắc nước uống để chữa trị bệnh u bướu, nhưng kể từ khi sản phẩm thuốc Crila được Cục quản lý Dược-Bộ y tế cho phép lưu hành toàn quốc với chỉ định điều trị u xơ tử cung và phì đại lành tính tuyến tiền liệt cho đến nay trên thị trường đã có hàng trăm sản phẩm gắn với Trinh nữ hoàng cung ra đời. Điều kỳ lạ là mỗi sản phẩm lại được “chế” theo một công thức khác nhau khiến người dùng như rơi vào ma trận, khó phân biệt đâu là sản phẩm thực sự có tác dụng chữa bệnh.

Ma trận các sản phẩm từ Trinh nữ hoàng cung.

Từ năm 1990, khi TS. Trâm bắt đầu nghiên cứu về cây Trinh nữ hoàng cung và tạo ra sản phẩm thuốc điều trị u xơ tử cung và phì đại lành tính tuyến tiền liệt từ cây Trinh nữ hoàng cung Việt Nam. Cụm công trình nghiên cứu về cây TNHC đã chứng minh được tác dụng thực sự của cây TNHC thì hàng loạt các sản phẩm gắn với mác TNHC đua nhau ra đời. Liệt kê sơ sơ cũng có cả hàng chục loại, bao bì thiết kế bắt mắt với tên sản phẩm, màu sắc, bao bì gần giống với sản phẩm nghiên cứu đã được cấp phép của Bộ Y tế, nhưng hầu hết… đều là thực phẩm chức năng. Điểm chung của các sản phẩm này là đều có thành phần chính từ cây trinh nữ hoàng cung kết hợp với một số dược liệu khác. Các sản phẩm có công thức khác nhau: Có sản phẩm thì kết hợp TNHC với Nhân sâm, hoàng bá, Ích mẫu nhưng có sản phẩm khác lại kết hợp với Xạ đen, Giảo cổ lam, Đào nhân, Xích thược, hay với Linh chi, tam thất, bột nghệ..và được giới thiệu là có thể “xua tan nỗi lo ung bướu” hay “nâng cao hiệu quả điều trị bệnh u xơ, u nang”, tiêu nhỏ u xơ tuyến tiền liệt, giảm kích thước u bướu...nếu không đọc kỹ thì người tiêu dùng rất dễ lầm tưởng là thuốc điều trị bệnh.

Theo NGND,GS. TS Phạm Thanh Kỳ - Nguyên hiệu trưởng trường Đại học Dược Hà Nội thì hiện nay trên thị trường có quá nhiều sản phẩm từ thảo dược có thành phần na ná như nhau. Nguyên nhân do nhiều cơ sở sản xuất đã sử dụng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học để sản xuất các loại thực phẩm chức năng có công dụng tương tự. Tuy nhiên, do các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đã được đăng ký bảo hộ và chuyển giao cho một đơn vị sản xuất thuốc nhất định. Các doanh nghiệp không có công trình nghiên cứu, không được chuyển giao buộc phải gán thêm các dược liệu khác để được cấp phép sản xuất dưới dạng thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, theo GS Kỳ, bất kỳ một sản phẩm thảo dược nào cũng phải có quá trình nghiên cứu bài bản từ độc tính cấp, độc tính bán trường diễn, để đảm bảo độ an toàn cao còn phải nghiên cứu ảnh hưởng đến sinh sản, cấu trúc nhiễm sắc thể, thử tác dụng dược lý trên động vật thực nghiệm sau đó đánh giá hiệu quả điều trị trên lâm sàng theo quy chế của Bộ y tế, khi đó sản phẩm được phép lưu hành mới có giá trị.

Người trong cuộc nói gì?

TS-DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm, người đã có hơn 20 năm theo đuổi các đề tài nghiên cứu về cây TNHC - cụm công trình đã được nhận giải thưởng nhà nước năm 2010 cho biết: Qua nghiên cứu các loài cây TNHC thu thập ở Việt Nam đã phát hiện có một loài đặc biệt chứa nhiều nhóm chất có hoạt tính sinh học khác với những loài còn lại đều được nhân dân gọi là TNHC. Loài cây này đã được chọn lọc để nghiên cứu, trồng trọt và thu hái, nghiên cứu hóa học, tác dụng sinh học và phát triển trên quy mô lớn để lấy nguyên liệu sản xuất thuốc Crila. Loài cây này là một “thứ” mới (new variety) của loài TNHC có ở Việt Nam. Nó được đặt tên là Trinh nữ crila (Crinum latifolium L. var. crilae Tram & Khanh).

Từ kết quả nghiên cứu của TS. Trâm và các cộng sự trong và ngoài nước đã tạo ra thuốc Crila, được chỉ định điều trị U phì đại tuyến tiền liệt và U xơ tử cung. Theo kết quả đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ: “Đánh giá tác dụng điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt bằng viên nang TNHC”, do GS-TS Trần Đức Thọ, Viện lão khoa, Bệnh viện Bạch Mai làm chủ nhiệm thì sau 2 tháng dùng thuốc Crila nhóm bệnh nhân được nghiên cứu đạt hiệu quả khá và tốt là 89,18%. “Đánh giá hiệu quả và khả năng chấp nhận thuốc Crila trong điều trị bệnh u xơ nhẵn tử cung (u xơ tử cung)”, cũng là đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ do PGS-TS Vương Tiến Hòa, Bệnh viện Phụ sản trung ương làm chủ nhiệm kết quả thuốc Crila có hiệu quả điều trị đối với bệnh nhân u xơ tử cung đạt 79,5% -đặc biệt là đối với bệnh nhân u xơ tử cung có kích thước từ 6cm trở xuống. Thuốc có độ an toàn cao, không có tác dụng phụ. Cả hai đề tài trên đều được Hội đồng khoa học Bộ y tế đánh giá xuất sắc.

Thử lâm sàng ở Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM và Viện lão khoa Hà Nội, kết quả cho thấy, Crila làm giảm 33-93% triệu chứng tiểu tiện. 90% bệnh nhân giảm thể tích tuyến tiền liệt, một số đã trở lại kích thước bình thường và cơ quan tiểu tiện lành mạnh sau 2 tháng chữa trị. Cho đến nay, Crila là loại thuốc sản xuất từ thảo dược đầu tiên trên thế giới có khả năng điều trị u xơ tử cung ở phụ nữ.

Theo khẳng định của TS. Trâm, loại thảo dược được nghiên cứu dùng làm nguyên liệu sản xuất thuốc Crila là từ cây TNHC (Crinum latifolium L. var.crilae Tram & Khanh), họ Náng (Amaryllidaceae), hoàn toàn không có sự kết hợp với bất kỳ thảo dược nào khác. Việc sử dụng TNHC kết hợp với các thảo dược khác như Nhân sâm, Linh chi, Giảo cổ lam, Đào nhân, Xích thược, hay với Linh chi, tam thất, bột nghệ..và một số thảo dược khác là hoàn toàn chưa có trong nghiên cứu của tôi, vì thế chưa có cơ sở khoa học để khẳng định tác dụng điều trị u xơ, u nang có hiệu quả và an toàn hay không.

Cẩn trọng không thừa !

Cho đến nay, nhiều công ty Đông dược, thầy thuốc Y học cổ truyền và những người bệnh đang tự sử dụng cây này làm thuốc cũng đều nghĩ rằng đó chỉ là một loài thuần nhất và công dụng của nó dù lấy ở đâu thì cũng đều như nhau. Nhưng thực tế lại không phải như vậy!

PGS. TSKH Trần Công Khánh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền (CREDEP) đã khuyến cáo người tiêu dùng “việc tìm kiếm và tự chế biến cây TNHC làm thuốc cần chú ý tính chính xác để đảm bảo hiệu quả chữa bệnh. Bởi, trong quần thể những cây gọi là TNHC, nhưng cũng có sự không đồng nhất. Thậm chí, cùng là cây TNHC nhưng thổ nhưỡng, cách chăm sóc khác nhau... cây cũng sẽ có hoạt chất khác nhau. Vì thế, hiệu quả sử dụng cũng khác nhau”.

Ngay cả khi chọn đúng được cây TNHC, thì việc sử dụng kết hợp với các dược liệu khác cần hết sức cẩn trọng. NGND.GS. TS Phạm Thanh Kỳ - khẳng định: việc phối hợp các dược liệu với nhau có thể tốt, nhưng cũng có thể làm giảm tác dụng, thậm chí là gây độc cho cơ thể. Cái quan trọng là việc phối hợp đó phải qua nghiên cứu, chứng minh cụ thể là dựa trên cơ sở nào, thử nghiệm kết quả ra sao. Không phải cứ phối hợp các vị thuốc là với nhau là có sản phẩm tốt được.

TRẦN THẮNG